Du khách từ TP HCM có thể dành 3 ngày 2 đêm để khám phá xứ sở của hoa giấy, hạt bàng.
Côn Đảo hay còn gọi là đảo Côn Sơn thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từng được biết đến với cái tên “địa ngục trần gian”. Trước năm 1975, đây là nơi giam giữ và lưu đày tù nhân lớn nhất Đông Dương, gắn liền với tội ác của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng.
Ngày nay, Côn Đảo
trở thành điểm du lịch nổi tiếng với nhiều bãi tắm hoang sơ, hệ sinh
thái đa dạng và các địa danh linh thiêng. Do đó, nơi đây vừa thích hợp
cho du lịch nghỉ dưỡng vừa phù hợp cho những ai thích khám phá.
Kỳ nghỉ 30/4 năm nay khá dài. Dưới đây là gợi ý lịch trình 3 ngày 2 đêm cho du khách khởi hành từ TP HCM.
Thời gian du lịch
Thời gian đẹp để du lịch Côn Đảo là từ tháng 3 đến tháng 9 khi biển êm gió nhỏ nên việc di chuyển ra đảo thuận lợi hơn. Tuy trùng mùa mưa, lượng mưa ở đây không nhiều, chủ yếu là mưa rào kéo dài khoảng một giờ vào buổi chiều, ban ngày nắng vàng và trời xanh thích hợp đi lặn biển và chụp ảnh. Đây cũng là mùa rùa tập trung đẻ trứng ở Côn Đảo, cao điểm khoảng tháng 7 – 9.
Phương tiện di chuyển ra Côn Đảo
Di chuyển ra Côn Đảo hiện nay không còn quá khó khăn, bạn có thể đi bằng máy bay và tàu biển. Thông tin giá vé, giờ xuất phát khứ hồi và cách thức đặt vé dễ dàng được thực hiện qua mạng Internet.
Nếu đi đường hàng không, bạn chỉ mất khoảng 50 phút để đến sân bay Côn Đảo, chuyến khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất với giá dao động 1,5 triệu – 2,5 triệu đồng một chiều. Vé từ sân bay Cần Thơ có giá từ 1,5 triệu một chiều. Từ sân bay Côn Đảo về trung tâm thị trấn khoảng 12 km, bạn đi taxi, giá từ 280.000 đồng.
Di chuyển bằng tàu biển có nhiều lựa chọn hơn cho du khách. Ưu điểm của phương tiện này là chi phí rẻ, dễ đặt vé và bạn có thể vận chuyển xe máy, xe đạp ra đảo. Từ TP HCM, du khách đặt vé xe khách đến Sóc Trăng (khoảng 5 giờ xe chạy, vé từ 130.000 đồng) hoặc Vũng Tàu (khoảng 2 giờ xe chạy, vé từ 90.000 đồng), sao cho kịp chuyến tàu cao tốc sớm nhất rời bến lúc 8h để có thêm thời gian khám phá ở đảo.
Xuất phát từ cảng Trần Đề (Sóc Trăng): Thời gian di chuyển khoảng 2,5 giờ với giá vé 320.000 – 520.000 đồng mỗi chiều cho một hành khách. Lưu ý: cảng Trần Đề cách bến xe khách khoảng 40 km, bạn nên tính thêm thời gian di chuyển.
Xuất phát từ Vũng Tàu: Tàu cao tốc khởi hành từ cảng Cầu Đá đi Côn Đảo khoảng 3,5 – 4,5 giờ với giá vé từ 660.000 đồng đến 1,3 triệu đồng một chiều tùy loại ghế. Nếu muốn trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên biển trong 12 giờ, bạn có thể chọn tàu lớn người dân hay sử dụng, xuất phát từ cảng Cát Lở với giá 400.000 – 533.000 đồng một lượt, có giường nằm.
Phương tiện di chuyển và lưu trú trên đảo
Nếu đi theo nhóm đông người, bạn có thể di chuyển bằng taxi với giá khoảng 11.000 đồng/km, xe điện có giá khoảng 20.000 đồng/km, hoặc thuê ôtô 12 – 16 chỗ với giá từ 1,5 triệu đồng một ngày.
Nếu là khách lẻ và để linh động nhất, bạn nên thuê xe máy 100.000 – 150.000 đồng tính trong 24 giờ. Ngoài ra, còn có dịch vụ xe ôm chở bạn đi khắp nơi trên đảo với giá khoảng 300.000 đồng một ngày, các tài xế sẽ kiêm luôn hướng dẫn viên. Muốn tiết kiệm hơn, bạn có thể sắp xếp tham quan các địa điểm gần nhau rồi thuê xe đạp với giá 30.000 – 50.000 đồng một ngày.
Nếu đi lặn ngắm san hô, du khách cần thuê thuyền, cano có sức chứa 6 – 20 người với giá từ 2 đến 5 triệu đồng khứ hồi trong cả ngày. Nếu đi ít người, bạn nên hỏi xin ghép đoàn ở các nơi bán tour để tiết kiệm chi phí. Du khách cũng có thể cắm trại dã ngoại qua đêm ở những nơi được ban quản lý cho phép.
Có nhiều lựa chọn về cơ sở lưu trú tại đảo cho du khách như nhà nghỉ, khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng. Giá phòng dao động từ 130.000 đồng đến vài triệu đồng. Du khách nên chọn phòng ở ngay trung tâm đảo để dễ dàng di chuyển trong hành trình khám phá.
Các địa điểm tham quan, vui chơi ở Côn Đảo
Côn Đảo có 16 hòn đảo lớn nhỏ và nhiều bãi biển đẹp hoang sơ. Trong đó, Vườn quốc gia Côn Đảo bao gồm gần như toàn bộ quần thể đảo. Trong thời gian ngắn ngày, du khách nên chọn tham quan vài địa điểm trong danh sách dưới đây theo các cụm gần nhau.
Hòn Bảy Cạnh – Hòn Tài – Hòn Cau – Hòn Tre lớn – Hòn Tre Nhỏ – Hòn Bà: là tuyến du lịch sinh thái biển với các trải nghiệm lặn ngắm san hô, tham quan rừng ngập mặn, tìm hiểu hoạt động bảo tồn tài nguyên, và may mắn vào đúng mùa sẽ được xem rùa đẻ trứng, thả rùa con về biển. Du khách thuê cano đi ra đảo nhỏ, nên chọn chỉ 1 đến 2 điểm đi trong ngày là vừa đủ trải nghiệm.
Bãi tắm Đầm Trầu: nằm gần sân bay, có nước biển êm và bãi cát vàng mịn uốn hình cánh cung được du khách ưa thích nhất. Tại đây, nhiều quán xá cung cấp các dịch vụ ghế ngồi, ăn uống, ván chèo… thích hợp cho những giây phút thư giãn. Đặc biệt, bạn còn có thể nhìn máy bay đáp gần mặt biển ở bãi Đầm Trầu.
Mũi Tàu Bể: nằm trên con đường độc đạo từ sân bay về thị trấn, được bao bọc bởi những phiến đá dựng đứng tạo thành vòng cung ôm biển. Nơi đây là điểm chụp ảnh “sống ảo” kiểu mạo hiểm, đồng thời là nơi ngắm bình minh đẹp nhất Côn Đảo.
Bãi An Hải, bãi Cầu Tàu: là các bãi tắm cát trắng mịn, biển lặng sóng nằm ngay trung tâm đảo lớn, có đông người địa phương đến đây.
Bãi Nhát, mũi Cá Mập: là bãi biển hoang sơ được nhiều du khách dừng lại chụp ảnh nhất vì cảnh đẹp với cung đường uốn quanh triền núi, một bên là bãi biển xanh trong vắt.
Vịnh Đầm Tre: nằm ở phía bắc đảo, với cảnh quan tự nhiên, kín gió, có rừng ngập mặn bao bọc xung quanh, xem chim yến làm tổ trong mùa sinh sản và nhiều loài sinh vật biển khác. Trên đường đi, du khách có thể ngắm cảnh đẹp của vịnh Côn Sơn, biển Lò Vôi, bãi biển Đất Dốc, mũi Chim Chim, vịnh Đông Bắc…
Rừng nguyên sinh Ông Đụng, Núi Chúa: Từ Côn Đảo, bạn đi về phía tây, trải nghiệm chuyến trekking khoảng một giờ băng qua rừng nguyên sinh, dẫn đến bãi biển cuối rừng. Du khách mua vé vào cổng Vườn quốc gia Côn Đảo với giá 60.000 đồng một người để tiếp tục hành trình khám phá rừng.
Cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh: là di
tích lịch sử, được xây dựng bằng lao động khổ sai của rất nhiều chiến
sĩ. Hiện nay, những nơi này trở thành điểm đến tham quan của nhiều
người.
Bảo tàng Côn Đảo: Trước đây là nơi ở và làm việc của 53 đời Chúa đảo trong suốt 113 năm. Khu di tích ngày nay trở thành nơi trưng bày tư liệu, vật phẩm có giá trị lịch sử thu hút khách du lịch. Giá vé vào cửa: 20.000 đồng một lượt.
Hệ thống nhà tù Côn Đảo: Nay vẫn gần như nguyên vẹn, được chia thành nhiều khu trại, phòng giam trong đó có trại Phú Hải và khu “chuồng cọp” với các tượng tái hiện cảnh tra tấn tù nhân. Bạn nên thuê hoặc đi theo đoàn có người thuyết minh để được nghe những câu chuyện xúc động tại nhà tù năm xưa. Giá vé tham quan: 20.000 đồng một người.
Nghĩa trang Hàng Dương: nơi có mộ của hơn 2.000 liệt sĩ và mộ chị Võ Thị Sáu. Đến đây bạn nên thắp hương tỏ lòng biết ơn đến những chiến sĩ đã ngã xuống và các phần mộ vô danh trong các nghĩa trang lân cận.
Đền thờ bà Phi Yến: hay còn gọi là An Sơn Miếu, là miếu thờ thứ phi của Chúa Nguyễn Ánh.
Chùa Núi Một: nằm ở trung tâm huyện đảo được xem là một trong số ngôi chùa có phong thủy đẹp nhất Việt Nam. Chùa nằm trên núi, từ sân chùa du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát xuống biển, núi, khu dân cư và hồ sen An Hải.
Hồ An Hải: nằm ở trung tâm đảo lớn, là hồ nước ngọt lớn thứ hai trên đảo (lớn nhất là hồ Quang Trung), có con đường Hoàng Phi Yến uốn cong chạy cắt ngang hồ. Vào mùa hè, hoa sen trong hồ nở hồng rực thì con đường nơi đây trở thành không gian chụp ảnh thu hút nhiều nhiếp ảnh gia và khách du lịch.
Cơ sở nuôi cấy ngọc trai: du khách có thể tham quan, tìm hiểu thêm về quy trình nuôi cấy ngọc trai ở các trại nuôi trai và mua những sản phẩm từ ngọc.
Những cung đường trên đảo cũng có nhiều không gian đẹp dành cho khách thích chụp ảnh, như tuyến đường rợp bóng cây bàng, hoa muồng vàng và phượng đỏ vào mùa hè, các bụi hoa giấy hồng dọc đường, ngôi nhà xưa cũ, các mũi cầu tàu vươn ra biển, con đường ven biển sát vách núi đá…
Các đặc sản thơm ngon trên đảo
Như các vùng biển đảo khác, đặc sản ở Côn Đảo là hải sản. Hải sản tươi sống mua ở cảng Bến Đầm được người địa phương và nhiều khách du lịch giới thiệu là rẻ nhất. Tại đây còn có các bè nổi ăn uống dành cho du khách với giá trung bình một bữa khoảng 200.000 – 500.000 đồng, tốn thêm khoảng 10.000 – 30.000 đồng để đi tàu nhỏ ra các bè. Rẻ nhất vẫn là các hàng quán địa phương bình dân trong khu dân cư, với nhiều món như cơm, cháo, bún riêu, bánh khọt… chỉ từ 15.000 đồng.
Những đặc sản Côn Đảo bạn nên tìm thưởng thức là mắm hàu, mắm nhum, ốc vú nàng, ốc nón, ốc tai tượng, ốc bàn tay, tôm hùm đỏ, tôm mũ ni, cua mặt trăng, cua vang, cá mú đỏ, gỏi cá nhám nước phỗng, mực một nắng… và các loại cá biển.
Nếu cần mua đặc sản, bạn đến chợ Côn Đảo là nơi bày bán nhiều loại đặc sản từ tươi sống đến khô và hàng lưu niệm. Mứt hạt bàng là quà mua về được du khách ưa thích nhất. Đó là hạt bàng được rang giòn với muối hoặc đường, có vị thơm bùi.
Một số lưu ý dành cho du khách
- Với tất cả phương tiện ra đảo, du khách phải có kế hoạch đặt vé khứ hồi trước một tháng trở lên vì lượng vé bán hết rất nhanh. Cần theo dõi lịch tàu chạy thông qua các phòng vé vì giờ xuất phát có thể bị hoãn do thời tiết xấu. Dù biển êm, bạn vẫn nên chuẩn bị thuốc chống say sóng.
- Trung tâm đảo còn vắng vẻ, ít tiện ích và thời gian sinh hoạt địa phương thường kết thúc sớm. Do đó, du khách nên chuẩn bị đầy đủ tư trang cá nhân, nhất là các loại thuốc men, tiền mặt và giấy tờ cá nhân. Trên đảo có rất ít cây xăng nên bạn chú ý đổ xăng đầy bình nếu có ý định ra xa trung tâm.
- Du khách cần mang trang phục linh hoạt vì thời tiết ban ngày rất nắng và hơi lạnh vào ban đêm. Nếu có ý định viếng mộ Võ Thị Sáu và các đền chùa, bạn cần ăn mặc lịch sự.